Tin tức

Set for Yourself

Ông chủ Dh Foods: ‘Tôi không còn hiếu thắng và ham làm giàu nhanh như thời trẻ’

Xuất hiện tại một sự kiện với sự tham gia của rất nhiều startup, không khó để mọi người nhận ra ông Nguyễn Trung Dũng – nhà sáng lập và CEO hãng gia vị Dh Foods. Hình ảnh doanh nhân 60 tuổi với chiếc khăn quàng cổ Manchester United – đội bóng mà ông yêu thích – đã không còn xa lạ với giới khởi nghiệp Việt Nam.

“Tôi bắt đầu quàng khăn MU thường xuyên từ 10 năm trước. Tôi có khoảng 10 chiếc khăn như vậy và tất cả đều do bạn bè tặng”, CEO Dh Foods chia sẻ.

Doanh nhân này nói rằng ông đã tìm thấy nhiều điểm chung giữa 2 niềm đam mê bóng đá và startup của mình.

ong-chu-dh-foo ds-nguyen-trun g-dung-toi-kho ng-con-hieu-th ang-va-ham-lam -giau-nhanh-nh u-thoi-tre-1.j pg

“Khi khởi nghiệp hay xây dựng đội bóng, tôi nghĩ cần biết mình biết ta trong việc phân tích thị trường, đối thủ và cả bản thân. Tùy vào khả năng ban đầu mà quyết định đầu tư lớn hay nhỏ. Và cũng tùy vào tư duy của Founder hay huấn luyện viên để định hướng startup đi nhanh hay chậm và đội bóng thiên về tấn công hay phòng ngự.

Với startup nên khởi đầu thận trọng, đi chậm nhưng chắc, cũng giống với một đội bóng nhỏ khi mới nhập cuộc nên dùng chiến thuật phòng ngự chắc chắn, phản công chớp nhoáng. Đồng thời, cần tận dụng những cơ hội phản công chớp nhoáng, như cách Dh Foods đã bứt phá và tăng trưởng vượt bậc hậu Shark Tank năm 2021.

Và quan trọng, bóng đá là môn thể thao đồng đội, startup cũng tương tự, kết quả phụ thuộc vào toàn đội chứ không phải một cá nhân nào”, ông Dũng mở đầu câu chuyện với Người Đồng Hành.

Ba lần khởi nghiệp ở nước ngoài, bán công ty được 6 triệu USD vẫn tay trắng về Việt Nam

CEO Dh Foods từng là du học sinh ngành IT tại Ba Lan. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp ông Nguyễn Trung Dũng không theo đuổi ngành công nghệ thông tin mà bước chân vào con đường kinh doanh. 30 năm sống ở nước ngoài, doanh nhân này từng trải qua 3 lần khởi nghiệp, nếm trải đủ thăng trầm, vui buồn, thành công và thất bại.

Với lần kinh doanh đầu tiên, ông Dũng và những người bạn của mình “bán mọi thứ có thể bán”, từ quần áo, đồ thủ công mỹ nghệ, quán ăn, quầy bán hàng tại các trung tâm thương mại và cuối cùng là nhập khẩu mì ăn liền từ Việt Nam.

“Lần khởi nghiệp đầu tiên của tôi thất bại. Lúc đó, nhóm bạn bè đại học rủ nhau làm chung, thỏa thuận ràng buộc không chặt chẽ, khi công ty phát triển nảy sinh mâu thuẫn giữa các cổ đông dẫn đến chia tay”, ông Dũng kể.

ong-chu-dh-foo ds-nguyen-trun g-dung-toi-kho ng-con-hieu-th ang-va-ham-lam -giau-nhanh-nh u-thoi-tre-2.j pg

Ông Nguyễn Trung Dũng 40 năm trước.

Năm 1992, ông Dũng khởi nghiệp lần hai khi vừa tròn 30 tuổi. “Với vốn âm sau khi khởi nghiệp lần đầu, tôi lao vào xây dựng công ty mới bằng cách về Việt Nam tìm nguồn hàng để nhập khẩu, vay nóng người quen tại Ba Lan với lãi suất rất cao”, ông chủ Dh Foods nhớ lại.

Ban đầu, ông Dũng tiếp tục nhập khẩu mì ăn liền của Vifon, sau đó của Thiên Hương rồi tới Lucky. Lúc cao điểm, ông nhập khẩu khoảng 60 container/tháng. Sau đó, doanh nhân gốc Việt nhập khẩu cả bún khô, nước hoa quả đóng lon, dứa đóng hộp, tương ớt, nước tương, gạo rồi đồ đông lạnh.

“Hàng nào bán được ở Ba Lan mà Việt Nam có sản xuất là tôi tìm cách liên hệ với nhà sản xuất, ban đầu chấp nhận trả tiền mặt bằng cách đi vay lãi nặng, sau một thời gian tăng được sản lượng thì đàm phán trả chậm”, ông Dũng nói.

CEO Dh Foods chia sẻ rằng thời điểm đó, ông từng làm việc đến 16 tiếng/ngày. Doanh số công ty ông có thời điểm đạt gần 10 triệu USD, sản phẩm được đưa vào các hệ thống siêu thị và nhà phân phối trên khắp Ba Lan.

“Sau 4 năm tôi trả hết nợ, mua nhà, mua xe cho mình và cho cả các nhân viên quản lý trong công ty. Tài sản của tôi lúc đó đã vượt triệu USD, có thể chi tiêu không cần suy nghĩ”, ông nói.

Thế nhưng, khi doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt cũng là lúc toàn châu Á rơi vào khủng hoảng tài chính giai đoạn 1997-1998 và Ba Lan cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng. Gặp khó khăn trong nhập khẩu, ông Dũng chuyển hướng đầu tư xây dựng hẳn một nhà máy sản xuất mì ăn liền tại Ba Lan. Sau khoảng ba năm, những thay đổi trong chính sách tiền tệ của quốc gia này một lần nữa khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó. Cuối cùng, ông Dũng quyết định bán toàn bộ cơ nghiệp mình đã gây dựng với giá 6 triệu USD.

“Lần khởi nghiệp thứ hai của tôi có thể coi là thành công về mặt tài chính. Tuy nhiên, với tôi nó lại là thất bại về mặt tinh thần do tuổi trẻ còn quá nhiều tham vọng, làm quá sức dẫn đến việc cuối cùng chuyển nhượng công ty cho tập đoàn Ukraine”, CEO Dh Foods bộc bạch.

ong-chu-dh-foo ds-nguyen-trun g-dung-toi-kho ng-con-hieu-th ang-va-ham-lam -giau-nhanh-nh u-thoi-tre-3.j pg

Hình ảnh doanh nhân 60 tuổi với chiếc khăn quàng cổ Manchester United đã không còn xa lạ với nhiều người.

Có trong tay một số tiền lớn, lại cảm thấy mình vẫn còn trẻ và đã xây dựng được một số mối quan hệ tại Ba Lan, ông Dũng quyết định khởi nghiệp lần thứ ba. Lần này ông chọn mảng kinh doanh thức ăn chế biến sẵn trong túi nhôm, học theo mô hình của Nhật Bản với nhà cung cấp từ Thái Lan. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 lại khiến doanh nghiệp của ông lao đao.

“Lần thứ ba khởi nghiệp, tôi rất nóng vội vì với số vốn lớn cùng những kinh nghiệm đã có, tôi muốn công ty phát triển thật nhanh, thật lớn. Nhưng cuối cùng công ty thất bại khi gặp ngay khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong giai đoạn đầu”, ông Dũng lý giải.

Đây cũng là lúc CEO Dh Foods đưa ra “một trong những quyết định trọng đại nhất đời mình” là trở về Việt Nam với hai bàn tay trắng, chỉ xách theo đúng một chiếc vali khi đã gần 50 tuổi. Ông bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào đúng mùng một tết Canh Dần năm 2010.

“Tôi không còn hiếu thắng và ham làm giàu nhanh như thời trẻ”

Về nước sau ba thập kỷ sống và làm việc tại xứ người, ông Nguyễn Trung Dũng lần đầu tiên đi làm thuê cho một doanh nghiệp khác. Tuy nhiên sự khác biệt trong văn hóa doanh nghiệp khiến ông dừng lại công việc này. Đến cuối năm 2012, vợ chồng ông thành lập nên Dh Foods, chuyên sản xuất các sản phẩm gia vị từ tự nhiên.

“Khó khăn khi đó là tôi đã lớn tuổi, ít vốn, ở nước ngoài lâu nên chưa thông thạo môi trường kinh doanh Việt Nam. Nhưng điểm thuận lợi là tôi có kinh nghiệm 20 năm trong nghề FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh), 2 năm trong tập đoàn lớn tại Việt Nam. Tôi cũng nhìn thấy những xu hướng phát triển của Việt Nam giống với Ba Lan những năm 90 nhất là kênh siêu thị”, ông Dũng nói về lần khởi nghiệp thứ tư.

Vị doanh nhân từng nhiều năm bôn ba trên thương trường thừa nhận, trong ba lần khởi nghiệp tại Ba Lan, ông khá hiếu thắng và tham vọng, làm việc “điên cuồng” mười mấy tiếng một ngày, đồng thời cũng kéo mọi người chạy liên tục cùng mình, bởi muốn “đánh nhanh, thắng nhanh".

“Tôi đã trải qua những tháng ngày thành công rực rỡ trên thương trường, song cũng có những ngày tháng rơi vào vực sâu không ánh sáng. Hơn nữa, chẳng có dự án kinh doanh nào mà mình giữ được đam mê và hứng thú lâu, cứ làm vài năm là mình cảm thấy chán. Tóm lại, sau một hồi điên cuồng chạy, nhìn lại chẳng còn thấy ai bên cạnh mình”, CEO Dh Foods trải lòng.

ong-chu-dh-foo ds-nguyen-trun g-dung-toi-kho ng-con-hieu-th ang-va-ham-lam -giau-nhanh-nh u-thoi-tre-4.j pg

CEO Dh Foods nói "muốn làm việc vì niềm vui hơn là làm giàu bằng mọi giá”.

Trở lại quê hương và bắt tay làm lại từ đầu ở tuổi 50, ông Dũng cho biết tâm thế làm kinh doanh của mình đã khác hẳn. Những trải nghiệm trong quá khứ khiến ông nhận thấy phải thay đổi từ tâm tính cho đến phong cách quản lý, “tôi cảm thấy lòng đã bình lặng, muốn làm việc vì niềm vui hơn là làm giàu bằng mọi giá”.

“Tôi của hiện tại đã không vội vàng, không hiếu thắng và không ham làm giàu nhanh như thời trẻ”, ông Dũng nhấn mạnh.

Nói về doanh nghiệp của mình, CEO tuổi 60 cho biết Dh Foods đã trải qua năm 2021 với kết quả kinh doanh thành công. Công ty đạt doanh thu 144,2 tỷ đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tăng trưởng 51,6% so với năm 2020, vượt 14,5% so với kế hoạch năm.

“Mức tăng trưởng này cũng duy trì đà tăng trưởng hơn 50% mỗi năm trong suốt 6 năm gần nhất”, ông Dũng nói.

Trong năm nay, công ty có kế hoạch tung các dòng sản phẩm mới chất lượng, hợp thị hiếu người tiêu dùng Việt. Đây là kế hoạch ông Dũng đã ấp ủ từ năm 2021 nhưng chưa được thực hiện vì lý do dịch bệnh. Hiện nay, các sản phẩm của Dh Foods đã xuất hiện trên kệ hàng tại nhiều siêu thị lớn tại Việt Nam. Công ty này cũng có kế hoạch IPO khi doanh thu cán mốc 1.000 tỷ đồng.

“Cơ hội luôn đến nếu chúng ta sống tử tế”

Bên cạnh thị trường nội địa, ông Dũng cho biết sản phẩm Dh Foods đã có mặt tại hơn 10 quốc gia trên thế giới, bao gồm Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Australia… Doanh nhân này tin rằng “xuất khẩu sẽ là kênh kinh doanh có khả năng đột phá cao về doanh số trong thời gian tới”.

ong-chu-dh-foo ds-nguyen-trun g-dung-toi-kho ng-con-hieu-th ang-va-ham-lam -giau-nhanh-nh u-thoi-tre-5.j pg

Ở tuổi 60 nhưng ông Dũng vẫn ra sân chơi bóng khi có thời gian.

Một trong những kỷ niệm liên quan đến khách hàng nước ngoài mà ông Dũng nhớ nhất là câu chuyện về một đối tác tại Hàn Quốc.

Vị CEO kể rằng, năm 2019, Dh Foods tham gia triển lãm VietFood tại Hà Nội. Ngay cạnh gian hàng của họ là gian hàng của một công ty xuất khẩu hoa quả Hàn Quốc. Lần đầu công ty này sang Việt Nam tham dự triển lãm nên họ chưa thuê được PG, mọi việc tại gian hàng đều do 2 nhân viên làm.

Các nhân viên Dh Foods hàng ngày luôn chào hỏi những người bạn Hàn Quốc, tặng họ sản phẩm muối Tây Ninh của Việt Nam và buổi trưa khi họ đi ăn thì nhận lời trông giúp gian hàng. Ngược lại, những người bạn Hàn Quốc cũng đem tặng hoa quả cho nhân viên Dh Foods.

Một tuần sau, hai bên lại có cơ hội gặp nhau trong một sự kiện tại TP HCM. Các nhân viên Hàn Quốc đã mời những người bạn Việt Nam đi ăn để cảm ơn sự hỗ trợ trong thời gian triển lãm.

“Vì nhân sự Dh Foods tham gia triển lãm khá đông nên Dh Foods đề nghị là chúng tôi đồng ý đi ăn nếu họ cho phép Dh Foods thanh toán chi phí, còn khi nào có dịp tham gia triển lãm bên Hàn Quốc, nếu có duyên gặp nhau thì sẽ đồng ý để họ thanh toán”, ông Dũng nói.

Sau khi về nước, 2 nhân viên Hàn Quốc đã đem sản phẩm muối Tây Ninh giới thiệu với ban giám đốc công ty vì họ cảm thấy loại gia vị này rất ngon và hợp với hoa quả Hàn.

Một thời gian ngắn sau, công ty này đã đồng ý nhập khẩu muối Tây Ninh của Dh Foods để bán kèm hoa quả. “Bây giờ họ trở thành đối tác phân phối gia vị Dh Foods tại Hàn Quốc, mặc dù ban đầu họ chỉ muốn xuất khẩu hoa quả sang Việt Nam”, ông Dũng cho biết.

“Qua câu chuyện nhỏ này, bạn sẽ thấy cơ hội luôn tới nếu chúng ta tử tế với những người xung quanh”, vị doanh nhân với 40 năm kinh nghiệm trên thương trường mỉm cười nói.

Bài: Diệu Tuyết (DHFoods)